Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang: Trước không bảo giá lợn lên 40.000 được, nay bảo xuống 70.000đ/kg, dân khó chia sẻ

tacgia Dân Việt  (4/28/2020 7:13:33 AM)

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Bùi Văn Hải chia sẻ như trên tại buổi làm việc với Bộ NNPTNT về tình hình tái đàn lợn trên địa bàn tỉnh Bắc Giang (diễn ra vào ngày 26/4). Ông Hải cho rằng: "Trước kia, giá lợn hơi có lúc giảm chỉ còn 20.000 đồng/kg nhưng chúng ta không bảo lên được 40.000 đồng/kg, thậm chí có lúc người dân còn phải đổ lợn xuống sông. Nếu bảo lên được 40.000 đồng/kg, thì người dân đã yên tâm sản xuất. Còn bây giờ, giá lợn lên 90.000 đồng/kg, chúng ta bảo phải giảm xuống 70.000 đồng/kg, người dân họ có chia sẻ được không, ta có bảo họ được không?".

bi thu tinh uy bac giang: truoc khong bao gia lon len 40.000 duoc, nay bao xuong 70.000d/kg, dan kho chia se hinh anh 1

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Bùi Văn Hải.

Đánh giá về báo cáo tình hình tái đàn lợn của UBND tỉnh Bắc Giang, ông Hải cho biết: "Lúc cao nhất, Bắc Giang có 1,2 triệu con lợn, bây giờ báo cáo là còn hơn 900.000 con sau dịch và trong suốt 6 tháng qua đã nuôi tăng lên được trên 279.000 con. Nhưng tôi hỏi, bảo là tái đàn, thì tái ở đâu, nuôi ở chỗ nào ra được 279.000 con, chứ không thể nói tái chung chung được. Thực tế, hộ nào đã bị dịch thì không nuôi được nữa, vì không còn gì mà nuôi, còn hộ nuôi được thì nuôi ở chỗ nào".

Cũng nói về báo cáo này, ông Hải tiếp tục nhận xét, chúng ta báo cáo lên đang còn 67.000 con lợn nái và sẽ phấn đấu lên 1 triệu con lợn thịt, tôi nói với 67.000 con lợn nái đó mà đưa lên 1 triệu đầu lợn thịt là không thể. Chúng ta phải chấp nhận 1 năm nữa, mới trở về số đầu lợn có 1,1-1,2 triệu con. "Lợn con phải trông vào lợn nái chứ, chỉ có 67.000 con, thì đẻ ra được bao nhiêu đầu lợn con, mỗi con đẻ được 10 hay 20 con. Bắc Giang ngay từ đầu đã giao Sở NNPTNT có chính sách bảo vệ đàn lợn nái, khi có dịch, chúng tôi đã xác định mất lợn bột thì không sao, nhưng mất lợn nái sau này là mất hết, chúng ta không thể đi sang tỉnh khác để mua lợn nái được"- ông Hải cho biết.

Do đó, theo ông Hải, bây giờ chủ trương của chúng ta là tập trung vào tái đàn, thì ưu tiên số 1 phải là tập trung vào tái đàn lợn nái, thì mới có lợn con. Nói về chuyện người dân có găm lợn hay không, ông Hải khẳng định: "Tại sao bảo găm lợn, tôi cho là không có chuyện đó đâu, bây giờ giá 80.000-90.000 đồng/kg, không ai găm làm gì, giá 80.000 đồng/kg đã có thể bán được rồi. Có điều, thay vì bán con lợn lúc đạt trọng lượng 70-80kg, thì người ta sẽ để nuôi thêm 1 tháng nữa, bởi trong 1 tháng đó, mỗi con lợn có thể tăng tới 30kg và lãi là ở giai đoạn sau đó".

Về khả năng tái đàn lợn trong dân, ông Hải cho rằng: "Hiện nay, rất nhiều hộ có nhu cầu mua lợn về gây giống, nhưng không mua được lợn nái hoặc có mua giá cũng rất đắt, tới gần 10 triệu/con lợn con để gây giống. Với những hộ không còn con nào, thì không dám mua về để nuôi, chỉ có những hộ chăn nuôi lớn mới dám nuôi. Thực tế, qua 2 năm rồi, tổng đàn nái bị mất rất nhiều. Do đó, sau dịch tả lợn châu Phi và dịch Covid-19 này, chúng ta cần phải điều chỉnh lại phát triển chăn nuôi, điều chỉnh chính sách quản lý nhà nước về chăn nuôi an toàn, nhất là quản lý về thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y và trang trại chăn nuôi lớn một cách bền vững".

bi thu tinh uy bac giang: truoc khong bao gia lon len 40.000 duoc, nay bao xuong 70.000d/kg, dan kho chia se hinh anh 2

Việc tái đàn lợn của bà con nông dân hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Bắc Giang, trong đợt dịch tả lợn châu Phi vừa qua, toàn tỉnh đã phải tiêu hủy tới trên 276.000 con lợn, tương đương trên 14.700 tấn lợn với số tiền đề nghị hỗ trợ gần 400 tỷ đồng và đến nay, tỉnh đã ứng trước kinh phí hỗ trợ 100% cho các hộ chăn nuôi có nhu cầu tái đàn.

Cũng theo tỉnh Bắc Giang, sau đợt dịch tả lợn châu Phi vừa qua, tổng đàn nái của tỉnh bị thiệt hại lên tới 52%, hiện chỉ còn 48% so với trước dịch. Tỉnh đang có 67.200 con lợn nái, trong đó có 213 con nái ông, bà; 46.827 con nái bố, mẹ; nái hậu bị 20.160 con; lợn thịt 540.000 con. 

Để chuẩn bị tái đàn lợn, tỉnh Bắc Giang đề nghị Bộ NNPTNT chỉ đạo các địa phương tổng điều tra, rà soát tổng đàn lợn cả nước để đảm bảo số liệu chính xác, từ đó có định hướng giúp người chăn nuôi có kế hoạch sản xuất phù hợp.

Lý giải về nguyên nhân giảm đàn lợn nái, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết: "Trong giai đoạn tháng 5,6,7 của năm 2019, người chăn nuôi đã không phối giống được hoặc phối được rất ít do lúc đó có cho đẻ ra lợn cũng không bán được, nên tốc độ phục hồi giống chậm đi một tý. Theo tính toán, phải tháng 7,8 hoặc sang đến quý III, đàn lợn thịt mới nhích dần lên được".

Bình luận

Viết bình luận:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: