HTX xoay xở vượt khó (Bài 5): Miền Tây nhọc nhằn tìm cửa xuất khẩu

tacgia Dân Việt  (4/25/2020 7:58:38 AM)

Thiệt hại “kép”

Do dịch Covid-19, mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh Hậu Giang là dứa (khóm) bị ảnh hưởng nặng nề. Theo người dân địa phương, do khó tiêu thụ nên đầu tháng 4, giá khóm loại 1 được thu mua tại rẫy chỉ còn khoảng 3.500 đồng/trái (còn khóm xô chỉ được mua với giá 1.500 đồng/trái), giảm từ 5.000-6.000 đồng/trái so với thời điểm trước đó một tháng và giảm phân nửa so với cùng kỳ. Đây là mức giá thấp chưa từng có, khiến việc tiêu thụ của người dân gặp nhiều khó khăn.

Ảnh: Huỳnh Xây

Thu hoạch khóm ở Hợp tác xã Nông nghiệp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến (TP.Vị Thanh, Hậu Giang).

Bộ NNPTNT đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương hỗ trợ nông dân HTX duy trì sản xuất trong vụ hè thu từ tháng 4 đến tháng 7/2020.

Trong đó, hỗ trợ trực tiếp cho nông dân và HTX nông nghiệp sản xuất một số nông sản chủ lực như: Lúa, rau màu, thủy sản trên diện tích sản xuất ước tính 1,5 triệu ha lúa, 300.000ha rau màu và 250.000ha nuôi trồng thủy sản.

Theo ông Vu Suổi - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Thạnh Thắng (xã Hỏa Tiến, TP.Vị Thanh), hàng năm, nơi đây đứng ra hợp đồng bao tiêu và thu mua khóm cho bà con xã viên và những hộ trồng khóm xung quanh với sản lượng hơn 1.500 tấn trái/160ha.

Sau đó, HTX cung cấp cho các công ty thông qua hợp đồng kinh tế liên kết có xác nhận của các bên và được giám sát từ UBND xã Hỏa Tiến. Mặt hàng này sau đó sẽ được đưa vào trong hệ thống siêu thị và chợ đầu mối của một số tỉnh miền Nam và xuất khẩu sang nước ngoài.

“Tuy nhiên, vài tuần trước đây, khi vào vụ thu hoạch rộ, giá khóm xuống rất thấp, khâu tiêu thụ gặp khó do tác động của dịch bệnh. Đến nay, khi dịch tạm lắng, giá khóm được cải thiện lên mức 5.000 đồng/trái thì người dân trong HTX đã gần hết hàng để bán” - ông Suổi nói.

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngoài chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, người dân trồng khóm ở Hậu Giang còn chịu ảnh hưởng bởi tình trạng mất mùa do nắng nóng kéo dài, nhiều vùng, người dân không có nước tưới làm cho khóm bị vàng, một số bị bệnh khô đầu lá. Theo ước tính, trung bình năng suất khóm giảm khoảng 30%.

Vài tháng qua, HTX bưởi Năm Roi xã Mỹ Hòa (thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Hàng không xuất được sang nước ngoài nên mọi việc bị đình trệ.

Các xã viên HTX cho hay, thay vì bán với giá từ 50.000 - 60.000 đồng/kg như cùng kỳ năm trước (thời gian này là mùa nghịch, sản lượng bưởi ít nên giá tăng cao) thì hiện nay giá rớt xuống còn 30.000 đồng/kg. Cách nay nửa tháng, giá bưởi còn “tệ” hơn, chỉ với 25.000 đồng/kg.

Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Trương Ngọc Trọng - Giám đốc HTX bưởi Năm Roi xã Mỹ Hòa nói: “Giá bưởi bị ảnh hưởng do không xuất đi được sang thị trường châu Âu, châu Á như trước đây vì dịch Covid-19. Trước đây, có thời gian ngừng hoạt động nhưng do tìm được nơi tiêu thụ nội địa nên hoạt động trở lại. Trung bình trước đây, mỗi ngày HTX bán được hàng chục tấn bưởi nhưng hiện nay chỉ ở mức từ 3-7 tấn/ngày”.

Nhờ thị trường trong nước “giải cứu”

Cũng như khóm và bưởi, các HTX trồng xoài cũng khốn khổ vì không bán được khi đang vào vụ thu hoạch. Điển hình như HTX Thương mại, dịch vụ và du lịch nông nghiệp An Giang mới đây phải nhờ Trung tâm Xúc thương mại và đầu tư cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh An Giang phối hợp hỗ trợ tiêu thụ 30 tấn xoài.

Theo ông Nguyễn Thanh Phong - Giám đốc HTX Thương mại, dịch vụ và du lịch nông nghiệp An Giang, do tác động của dịch Covid-19, thương lái đặt hàng xoài cát Hòa Lộc đã từ chối nhận hàng của nông dân trong khi đã tới vụ thu hoạch rộ.

Để góp phần hỗ trợ nông dân xã Mỹ Hòa Hưng vượt qua giai đoạn khó khăn này, HTX phối hợp với một số đơn vị giới thiệu cho người dân trong tỉnh ủng hộ và tiêu thụ xoài cát Hòa Lộc cho bà con nông dân, chủ yếu là xã Mỹ Hòa Hưng. 

Ông Võ Việt Hưng – Giám đốc HTX Xoài Mỹ Xương cho hay: “Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc tiêu thụ xoài gặp rất nhiều khó khăn dẫn đến việc giá xoài giảm”.

Cũng như HTX trên, các HTX kinh doanh xoài khác ở tỉnh Đồng Tháp cũng cho biết, trước đây, xoài cát Hòa Lộc 53.000 đồng/kg, xoài cát Chu giá 18.000 đồng/kg, xoài Đài Loan 18.000 đồng/kg. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch Covid-19, giá giảm mạnh từ 30-50%. Hiện xoài cát Hòa Lộc chỉ còn ở mức giá 20.000-25.000 đồng/kg, cát Chu 7.000-8.000 đồng/kg, xoài Đài Loan có giá 8.000 đồng/kg.

Theo Sở NNPTNT tỉnh Đồng Tháp, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc xuất khẩu hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, làm ảnh hưởng đến thu nhập của người dân. Hiện các doanh nghiệp, vựa trái cây vẫn thu mua với sản lượng thấp để phân phối các kênh tiêu thụ nội địa (Hà Nội, TP.HCM...).

Ngoài ra, các thương lái nhỏ lẻ vẫn thu mua để cung cấp đến các chợ nông sản chế biến xoài sấy nên địa phương chưa xảy ra tình trạng tồn đọng. Dự kiến sản lượng xoài cần tiêu thụ quý II/2020 là 40.000 tấn.

Theo ông Huỳnh Tất Đạt - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đồng Tháp, để khắc phục tình trạng trên, tỉnh sẽ tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp, cơ sở chế biến tận dụng các kho dự trữ, bảo quản, lưu trữ kho lạnh, cấp đông, tăng cường chế biến sau thu hoạch.

Khuyến khích, ưu tiên các đơn vị đưa nông sản, trái cây tươi vào các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại để bày bán, đồng thời khuyến cáo người dân thực hiện rải vụ, không để thu hoạch sản lượng lớn xoài cùng một lúc.

Cũng theo ông Đạt, phía Sở NNPTNT cũng sẽ tăng cường phối hợp với Sở Công Thương tìm kiếm thị trường tiêu thụ, theo dõi sát tình hình xuất khẩu của doanh nghiệp để có những đề xuất kiến nghị các bộ, ngành T.Ư tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp ổn định và sản xuất kinh doanh xuất khẩu.

Đề xuất hỗ trợ cho các HTX nông nghiệp

Bộ NNPTNT cho biết, trong 2 tháng đầu năm 2020, cả nước đã thành lập mới thêm 283 HTX nông nghiệp, nâng tổng số HTX nông nghiệp cả nước lên 15.593 HTX.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thị trường của một số sản phẩm mà các HTX đang cung cấp bị hạn chế như: Trái cây, nguyên liệu dược liệu, hoa, nguyên liệu và đồ gỗ xuất khẩu đi Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc và gần đây là các nước châu Âu, Mỹ.

Ngược lại, các HTX sản xuất lúa gạo, lương thực, chủ yếu ở ĐBSCL (chiếm khoảng 10% số các HTX nông nghiệp cả nước), đang có những thuận lợi nhất định do giá lúa gạo tăng khoảng 20% so với trước tết, gạo được tiêu thụ dễ dàng.

Bộ NNPTNT cho biết, hiện có khoảng 60-70% số các HTX nông nghiệp chịu tác động của dịch Covid-19. Trong đó, nhóm HTX chịu ảnh hưởng mạnh, chiếm khoảng 30%. Sản lượng thực phẩm cung ứng của các HTX này giảm từ 30-50% trong 2 tháng qua. Giá bán các sản phẩm này cũng giảm khoảng 20%, cá biệt giảm đến 50%.

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho khu vực kinh tế tập thể, HTX do dịch bệnh Covid-19 gây ra, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, Bộ NNPTNT đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương hỗ trợ nông dân HTX duy trì sản xuất trong vụ hè thu từ tháng 4 đến tháng 7/2020.

Trong đó, hỗ trợ trực tiếp cho nông dân và HTX nông nghiệp sản xuất một số nông sản chủ lực như: Lúa, rau màu, thủy sản trên diện tích sản xuất ước tính 1,5 triệu ha lúa, 300.000ha rau màu và 250.000ha nuôi trồng thủy sản.

Đối với các khoản tín dụng mà các HTX nông nghiệp đang vay đầu tư cho sản xuất, kinh doanh đề nghị được khoanh nợ, giãn nợ từ 6 tháng đến 1 năm và hỗ trợ lãi suất (bằng 0%) trong thời gian gia hạn.

Đồng thời, bố trí gói tín dụng trung hạn, lãi suất thấp, thời gian vay trong vòng 2-3 năm, mức lãi bằng 1/2 lãi suất thương mại cho khoảng 5.000 HTX nông nghiệp (bình quân 1 tỷ đồng/HTX) vay đầu tư xây dựng kho bãi, nhà xưởng chế biến, bảo quản nông sản, tái cấu trúc sản xuất, mua cây, con giống, tái đàn, mở rộng sản xuất ngay sau khi hết dịch bệnh.

Thiên Hương

Bình luận

Viết bình luận:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: